3 sai lầm trong sáng tạo

Sự sáng tạo ngày nay có vẻ như được mọi người đề cao rất nhiều. Nhà nhà nhận mình là sáng tạo, người người tự hào rằng mình sáng tạo. Nói chung, sáng tạo được thì cũng tốt, nhưng đa số mọi người đều mắc phải 3 sai lầm lớn khi sáng tạo, khiến cho công cuộc tìm nguồn nhân lực sáng tạo của các công ty luôn gặp trở ngại cực lớn.

Trước khi đi vào nói cụ thể về 3 sai lầm trong nhận thức này, ta sẽ nói nhanh qua định nghĩa về sáng tạo. Theo cách định nghĩa của tác giả, sáng tạo là hoạt động nhìn nhận ra một phương thức hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề. Bạn có thể nghĩ nó đơn giản quá. Nhưng chả sao cả, đơn giản thì dễ hiểu. Mà dễ hiểu thì tốt hơn là khó hiểu.

Không dông dài nữa, ta đi thẳng vào vấn đề chính. 3 sai lầm đó chính là:

  • Thiếu mục đích: Cũng như những hoạt động khác, hoạt động “sáng tạo” không có mục đích sẽ khiến cho chúng ta không biết kết quả mình muốn đạt đến là gì, từ đó khiến cho việc đánh giá phương thức mới là hiệu quả hay không trở nên bất khả thi. Trong “Thiên Long Bát Bộ” của Kim Dung, Hư Trúc rùa rùa đánh đại một nước lại phá được thế cờ không ai giải nổi, từ đó được truyền đủ tuyệt chiêu trên đời. Thế nhưng, không ai có thể nói anh chàng ấy sáng tạo được. Nếu bạn nghĩ ra nhiều cách mới để giải quyết vấn đề, nhưng không biết được những cách đó sẽ đưa bạn đi đến đâu, chẳng biết cách của mình lợi hại chỗ nào thì, xin lỗi, bạn chỉ như Hư Trúc đánh cờ, tuyệt nhiên không phải là người sáng tạo.
  • Sáng tạo = khác người: Dĩ nhiên, khi sáng tạo là bạn đã nghĩ ra phương thức mới, cho nên trong chừng mực nào đó, đã sáng tạo thì phải khác biệt. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là ai khác biệt đều là sáng tạo. Buồn thay, không ít người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Khi đánh cờ, nếu bạn hi sinh một quân Xe (thật khác người) thì hoặc là bạn đang chơi một đòn phối hợp cực độc, hoặc là bạn đơn giản chỉ là chưa biết chơi cờ mà thôi.
  • Thiếu giới hạn: Nhìn chung, rất nhiều người thả cho trí tưởng tượng của mình bay quá xa, xa đến nỗi quên mất những giới hạn mà bài toán đặt ra cho bạn. Nghĩ lại đi, nói cho cùng thì chính việc có giới hạn nên người ta mới cần những phương thức tốt hơn. Nếu mọi thứ là thừa mứa thì việc gì phải sáng tạo nữa? Nếu đề bài văn của bạn giới hạn chỉ trong 500 từ, thì giải pháp viết 1.000 từ để thể hiện hết ý, đơn giản, không phải là cách.

3 vấn đề trên, một mặt, là những sai lầm đơn giản dễ nhận ra; mặt khác, lại là những điều người ta thường hay mắc phải. Có lẽ, chính vì vậy mà thế giới bỗng dưng sản sinh ra lắm người sáng tạo đến vậy chăng?