Thằng bạn hắn tức run cả người. Có lúc hắn tưởng như đợi hắn về là nó úp ngay mặt vào gấu bông và khóc. Chả là hôm nay nó vừa bị phạt một mớ vì tội để xe lấn chiếm lòng lề đường. Thực sự nó đâu có muốn. Nhưng tình thế ép buộc thì biết phải làm sao.
Hắn nhìn thằng bạn, chả biết nói gì. Thực sự là hắn đã đoán trước được có ngày này, và đã can, nhưng thằng bạn đâu có nghe. Bị phạt, hắn cũng đau chứ. Quán cũng có phần hùn của hắn mà. Nhưng giờ chả nhẽ bảo nó là “bố nói rồi, thấy chưa” hay sao!
À chuyện là thế này: Hồi mấy tháng trước hai thằng rủ nhau mở quán cà phê. Lúc đó, hắn muốn bỏ thêm chút tiền nhưng có cái mặt bằng rộng rãi thoáng mát. Hắn tin rằng chỉ có mặt bằng thoáng thì người ta mới thích, mà thích thì mới có khách. Thằng bạn hắn gạt phắt ngay cái ý tưởng này. Theo nó, hai thằng có tí vốn, chơi cái mặt bằng to thế lỡ lỗ thì sao! Cuối cùng hắn nhượng bộ, hai thằng mở một cái quán bề ngang có 3m, phía trước gần như không có vỉa hè, nên mỗi lần có khách là phải kê đít xe ra ngoài đường và cử một thằng đứng trông.
Hắn tức lắm chứ. Tức nhất là khi biết sẽ có ngày bị phạt lỗ chổng vó mà vẫn cứ phải làm. Tức nhất là khi do quán nhỏ, khách chạy qua chạy lại, định vào nhưng ngại lại thôi. Hắn biết cả, nhưng thằng bạn hắn không nghe. Nó chỉ biết quyết dựa vào số tiền đang có trong tay. Thằng bạn đâu có biết rằng…
1. Khi lập dự án kinh doanh, phải lên kế hoạch về cái mình định xây dựng trước, rồi từ đó mới lên ngân sách, chứ không phải ngược lại. Nhiều người hay nói kiểu: “Ê giờ mình có 100 triệu, tao thấy tiền này mở quán cà phê cũng được đó!” Không, không thể như thế. Lẽ ra phải là: “Ê tao có dự án mở quán cà phê như vầy, như vầy. Để đạt được mục tiêu này, cần 150 triệu. Nếu tao với mày chưa đủ tiền thì kêu thêm người khác làm chung!” Thật nghịch lý: những người nghĩ mình không có nhiều tiền thường sẽ mở những dự án “suy dinh dưỡng” để tự đốt tiền mình như thế.
2. Khi đang kinh doanh, ngân sách phải dựa trên nhu cầu, chứ không phải dùng ngân sách để kìm hãm nhu cầu. Khi có nhu cầu chính đáng phát sinh, thì việc tìm mọi cách cắt giảm chi phí cho nhu cầu này thường là sai lầm cốt tử. Một sản phẩm chỉ có thể vẫn còn là sản phẩm nếu nó được nuôi bằng các chi phí. Nếu cố gắng giảm chi phí đến mức tối đa, thì đến một lúc nào đó, sản phẩm sẽ chẳng còn là sản phẩm nữa. Ví dụ, một số hãng máy bay cố tình cắt giảm một số chi phí để cung cấp sản phẩm máy bay giá rẻ. Tuy nhiên, một số hãng đã cắt giảm quá liều, đến nỗi số lượng chuyến bay bị hoãn tăng quá cao (để gom khách, giảm chi phí) và khiến dịch vụ bay của họ không còn giống dịch vụ bay nữa. Gần đây, để tiết kiệm điện, Venezuela đã… buộc người dân chỉ được làm việc 2 ngày/tuần. Đó là cách tư duy cắt chi phí quá liều điển hình.
Đừng cười hắn và thằng bạn. Do không nhiều người hiểu được 2 nguyên tắc cơ bản về ngân sách vốn kinh doanh ở trên, nên chỉ cần bước ra đường, bạn sẽ dễ dàng thấy những cái quán cà phê kỳ dị không ai muốn bước vào chỉ vì ông chủ muốn sở hữu một quán cà phê nhưng lại có quá ít tiền. Hắn và thằng bạn đã học được một bài học đắt giá và vẫn chưa thể trả hết học phí.
Còn bạn thì sao? Liệu bạn có đang ôm một cục tiền và nghĩ xem nên buôn cái gì với cục tiền này hay không?